Có được mang nước mắm/ rượu đi máy bay không?
- Đối với Rượu hoặc Chất lỏng có cồn
Rượu là món quà biếu thường được các du khách lựa chọn mua về trong mỗi dịp du lịch, công tác hoặc các dịp lễ Tết. Thế nhưng vận chuyển rượu đi máy bay lại cần tuân thủ theo rất nhiều quy định của hãng hàng không.
Trên chuyến bay nội địa
Bạn hoàn toàn có thể mang theo rượu/chất lỏng có cồn theo hành lý xách tay, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định sau:
– Rượu/chất lỏng có cồn với nồng độ dưới 24%: Không hạn chế
– Rượu/ chất lỏng có cồn với nồng độ từ 24 – 70%: Chỉ được mang tối đa 5 lít/ người và phải được đựng trong bình đựng của nhà sản xuất
– Rượu/ chất lỏng có cồn với nồng độ từ 70% trở lên: Không được phép mang theo
– Hãng hàng không cũng khuyến cáo, nếu mang theo rất nhiều rượu, hành khách nên mang nhiều bình, mỗi bình đựng không quá 1 lít, đóng thùng xốp kỹ càng khi ký gửi, tránh trường hợp đóng gói sơ sài hoặc để trong hành lý quần áo dễ khiến rượu bị đổ vỡ.
– Hành khách cũng tuyệt đối không mang theo rượu gạo hoặc các loại rượu tự nấu khác (không có nhãn mác) bởi đối với các loại rượu này, nhân viên sân bay sẽ từ chối vận chuyển.
Nồng độ cồn cho phép và không cho phép đối với đường hàng không (Nguồn ảnh: Wikihow)
Trên chuyến bay quốc tế
– Không được phép mang theo Rượu/ chất lỏng có cồn với nồng độ từ 70% trở lên
– Đối với rượu/chất lỏng có nồng độ cồn dưới 70% thì quy định của các hãng như sau:
Vietnam Airlines và Jetstar:
+ Rượu/chất lỏng có cồn với nồng độ dưới 24%: Không hạn chế
+ Rượu/ chất lỏng có cồn với nồng độ từ 24 – 70%: Chỉ được mang tối đa 2 lít/ người và phải được đựng trong bình đựng của nhà sản xuất
+ Rượu/ chất lỏng có cồn với nồng độ từ 70% trở lên: Không được phép mang theo
+ Hãng hàng không cũng khuyến cáo, nếu mang theo rất nhiều rượu, hành khách nên mang nhiều bình, mỗi bình đựng không quá 1 lít, đóng thùng xốp kỹ càng khi ký gửi, tránh trường hợp đóng gói sơ sài hoặc để trong hành lý quần áo dễ khiến rượu bị đổ vỡ.
+ Hành khách cũng tuyệt đối không mang theo rượu gạo hoặc các loại rượu tự nấu khác (không có nhãn mác) bởi đối với các loại rượu này, nhân viên sân bay sẽ từ chối vận chuyển.
+ Rượu/ chất lỏng có cồn mua tại cửa hàng trong khu cách ly quốc tế, trên máy bay quốc tế được phép mang theo người và hành lý xách tay với điều kiện phải đựng trong túi nhựa trong suốt của cửa hàng, có niêm phong theo quy định, bên trong có biên lai/ hóa đơn ghi rõ nơi bán, ngày bán để ở vị trí đọc được dễ dàng mà không cần mở túi. Lưu ý, trọng lượng hành lý xách tay bao gồm cả hàng miễn thuế mua tại sân bay.
VietJet Air: Tương tự quy định của các chuyến bay nội địa
Chỉ được tối đa 0.5 lít/ người
- Đối với Nước mắm
Nước mắm là loại chất lỏng có mùi do đó tất cả các hãng hàng không đều TỪ CHỐI VẬN CHUYỂN
Lưu ý: Chỉ riêng đường bay Phú Quốc của hãng VietJet Air là được phép vận chuyển nước mắm và phải tuân thủ các quy định sau:
– Nước mắm phải được vận chuyển trong hành lý ký gửi
– Mỗi hành khách được mang không quá 4 lít – mỗi chai không quá 1 lít nước mắm
– Nước mắm cần phải được đựng trong chai/ lọ nhựa (không cho vào chai thủy tinh). Lượng nước mắm chứa trong mỗi chai không vượt quá 95% thể tích của chai để đề phòng sự giãn nở và lực ép va chạm gây vỡ chai.
– Các chai/ lọ đựng mắm/ chất lỏng có mùi phải được bỏ vào thùng xốp dán kín miệng bằng băng keo, tránh tỏa mùi và không để chất lỏng chảy ra ngoài. Thùng cũng phải được đóng chắc chắn, đảm bảo không dập, vỡ trong quá trình chất xếp và vận chuyển. Thùng hoặc túi hành lý này sẽ được gắn thẻ dễ vỡ trước khi chấp nhận chuyên chở để lưu ý nhân viên chất xếp.
Cần đóng gói cẩn thận nước mắm trước khi vận chuyển bằng đường ký gửi
Ngoài ra, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho chuyến bay của mình, bạn có thể tham khảo thêm một số quy định cơ bản về hành lý xách tay và hành lý ký gửi khi đi máy bay.
Những quy định chung về hành lý xách tay và ký gửi
– Tùy thuộc vào điều kiện vé của từng hãng hàng không, quy định về hành lý xách tay và ký gửi sẽ có những điểm khác nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả các hãng hàng không đều quy định mỗi hành khách được phép mang 07kg hành lý xách tay.
– Hành lý ký gửi có thể được mua sau khi xuất vé hoặc mua tại sân bay. Tuy nhiên tùy điều kiện của từng hãng mà mức phí sau khi xuất vé có thể cao hơn trước khi xuất vé, mua tại sân bay mức phí sẽ cao hơn gấp ít nhất 2 lần.
Quy định về kích cỡ hành lý xách tay và ký gửi
– Hành lý xách tay: Mỗi kiện hành lý xách tay có trọng lượng không vượt quá 07kg, tổng kích thước 3 chiều không vượt quá 115cm (tương ứng 56 x 36 x 23cm, tức 22 x 14 x 9 inches). Trong trường hợp tại quầy check-in sân bay, nếu hành lý xách tay vượt quá số lượng và kích thước cho phép thì hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển hành lý đó theo hình thức xách tay và yêu cầu hành khách làm thủ tục ký gửi hành lý.
– Hành lý ký gửi: Hành lý ký gửi được quy định có tổng kích thước 3 chiều không vượt quá 203cm. Tùy theo từng hãng hàng không và tùy vào điều kiện giá vé, hành khách sẽ được miễn cước hành lý với trọng lượng hành lý khác nhau. Nếu quá cước hành lý, hành khách sẽ phải mua thêm với số tiền phí theo quy định.
Quy định về trọng lượng hành lý của các hãng hàng không
Hãy kiểm tra kích thước và trọng lượng hành lý trước khi đến sân bay
Trên các chuyến bay nội địa
– Vietnam Airlines: Hãng hàng không quốc gia quy định hành khách được mang theo 20kg hành lý ký gửi và 07kg hành lý xách tay (đối với bất kỳ loại giá vé nào). Riêng hạng Thương gia được phép mang 30kg hành lý ký gửi và 2 kiện hành lý xách tay, mỗi kiện 07kg.
– VietJet Air: Hãng quy định hành khách được mang theo 07kg hành lý xách tay (đối với bất kỳ loại giá vé nào). Hành lý ký gửi sẽ được mua thêm theo yêu cầu khi hành khách mua vé hoặc làm thủ tục check-in.
– Jetstar Pacific: Jetstar Pacific quy định hành khách được mang theo 07kg hành lý xách tay (đối với bất kỳ loại giá vé nào). Hành lý ký gửi sẽ được mua thêm theo yêu cầu khi hành khách mua vé hoặc làm thủ tục check-in.
Trên các chuyến bay quốc tế
Quy định về hành lý trên các chuyến bay quốc tế sẽ có sự khác nhau tùy từng hãng hàng không, các chặng bay và các sân bay tại các nước. Vì vậy, để có thông tin chính xác nhất, bạn vui lòng liên hệ với hãng, phòng vé hoặc đại lý khi đặt mua vé máy bay.
Một số vật phẩm TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC mang lên máy bay
– Các chất nổ, vật liệu nổ như bom, mìn, kíp nổ, dây cháy chậm, pháo bông, pháo sáng, các loại chất nổ khác, đạn…
– Các chất dễ gây cháy như metal, butal, các khí đốt hóa lỏng, cồn… hoặc các loại chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu, sơn, dung môi pha sơn… hoặc các loại chất rắn, vật liệu, hóa chất dễ cháy.
– Các chất độc, chất lây nhiễm, chất ăn mòn như axit, muối; nguyên liệu phóng xạ, chất oxy hóa hoặc các chất tẩy hữu cơ khác.
– Cặp túi, két bạc và tất cả các đồ vật có gắn thiết bị báo động.
– Các đồ vật bị cấm vận chuyển theo quy định hiện hành của các quốc gia và lãnh thổ mà tàu bay bay đi, bay đến hoặc bay qua.
– Các đồ vật mà hãng hàng không xét thấy không vận chuyển được bằng máy bay vì chúng gây nguy hiểm, không an toàn hoặc bởi vì trọng lượng, kích thước hay đặc tính của chúng.
– Bất kỳ loại vật chất nào gây ra các mối đe dọa cho hành khách hoặc tàu bay.