Bạn bị mất chứng minh thư thì có thể dùng một số loại giấy tờ khác để thay thế như : hộ chiếu, bằng lái xe, giấy xác nhận nhân thân…
Nếu không có CMTND bạn sẽ không được cấp thẻ lên tàu bay, đồng nghĩa với việc không thể bay được. Tuy nhiên, nếu đến sân bay bạn phát hiện ra mình đã quên CMTND ở nhà, hoặc trước đó bạn đã bị mất CMTND thì phải làm thế nào?
Mất hoặc quên CMTND khi đi máy bay, phải làm thế nào?
Khi đến sân bay, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm đến quầy thủ tục để xuất trình CMTND cùng vé máy bay (mã số đặt chỗ) để nhân viên quầy kiểm tra. CMTND dùng để đối chiếu:
– Tên trên vé của bạn có trùng khớp với tên trên CMTND hay không;
– Khuôn mặt bạn có trùng khớp với ảnh trên CMTND hay không;
– Số CMTND bạn cung cấp có trùng khớp với số dùng để mua vé máy bay không (tùy hãng hàng không)
Như vậy, nếu bị quên hoặc làm mất CMTND, bạn có thể thay thế bằng các loại giấy tờ có tên và ảnh hợp lệ như sau:
- Hộ chiếu
- Giấy phép lái xe
- Giấy chứng minh của các lực lượng vũ trang
- Thẻ Đảng viên
- Thẻ Nhà báo
- Thẻ Đại biểu Quốc hội
- Thẻ Kiểm soát an ninh hàng không
- Thẻ nhận dạng của các Hãng hàng không Việt Nam
Những giấy tờ trên áp dụng với đối tượng là: Người lớn (từ 14 tuổi trở lên); mang quốc tịch Việt Nam và bay chuyến bay nội địa.
Đối tượng 14 tuổi trở lên mang quốc tịch nước ngoài cần xuất trình Hộ Chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng. Nếu không có hộ chiếu thì có thể thay thế bằng Công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự xác nhận nhân thân của hành khách. Giấy tờ này phải có dán ảnh, dấu giáp lai. Bên cạnh đó phải kèm theo đơn giải trình mất hộ chiếu của hành khách có xác nhận của công an địa phương.
Nếu không có bất kỳ loại giấy tờ nào thay thế CMTND thì phải làm sao?
Trong trường hợp vừa ko có CMTND lại vừa không có bất kỳ giấy tờ nào khác để thay thế thì bạn buộc phải làm Giấy Xác Nhận Nhân Thân do Công An Phường nơi bạn cư trú xác nhận. Giấy này có thời hạn là 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Trên giấy xác nhận nhân thân phải có ảnh chân dung (chụp theo kiểu của chứng minh nhân dân), còn thời hạn và có đóng dấu giáp lai của Công an phường.
Trường hợp cuối cùng, vì một lý do nào đó bạn không thể làm Giấy xác nhận nhân thân, đồng nghĩa với việc bạn không có bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào mang theo khi làm thủ tục bay thì chắc chắn bạn sẽ không thể thực hiện được chuyến bay.
Vậy trường hợp trẻ em chưa có CMTND thì dùng giấy tờ gì để làm thủ tục bay?
Trong ngành hàng không, hành khách từ 14 ngày tuổi – dưới 2 tuổi được gọi là Em Bé (em bé dưới 14 ngày tuổi không được phép bay); hành khách từ 2 – dưới 14 tuổi được gọi là Trẻ Em. Vì 2 đối tượng này chưa được cấp CMTND nên sẽ dùng loại giấy tờ khác khi làm thủ tục bay như sau:
– Giấy khai sinh bản gốc hoặc Giấy khai sinh bản sao trích lục (bản sao có thời hạn 6 tháng)
– Có thể thay thế giấy khai sinh bằng hộ chiếu
– Riêng em bé từ 14 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi có thể dùng Giấy chứng sinh (Giấy này có thời hạn 1 tháng)
– Đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng cần có giấy xác nhận của tổ chức xã hội (có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận).
– Đối với trẻ em/ em bé mang quốc tịch nước ngoài: Yêu cầu hộ chiếu.
Trẻ em và Em bé cũng có những quy định riêng về giấy tờ tùy thân khi đi máy bay
Những giấy tờ tùy thân trên là quy định chung nhất dành cho đa số mọi người khi làm thủ tục bay, Tuy nhiên có những đối tượng đặc biệt như Phụ nữ mang thai hay Người khuyết tật sẽ có những yêu cầu đặc biệt riêng cần chú ý sau:
Phụ nữ mang thai đi máy bay có cần xuất trình CMTND?
Phụ nữ mang thai khi làm thủ tục bay cũng cần xuất trình CMTND và có thể thay thế bằng những loại giấy tờ như trên nếu không có CMTND. Tuy nhiên phụ nữ mang thai cần lưu ý mang thêm Giấy Xác Nhận Sức Khỏe được yêu cầu theo từng hãng như sau:
Đối với Vietnam Airlines (không vận chuyển phụ nữ mang thai trên 36 tuần)
– Hành khách mang thai dưới 32 tuần mang giấy tờ tùy thân như bình thường, không cần xác nhận sức khỏe.
– Hành khách mang thai từ 32 – 36 tuần và các trường hợp đặc biệt sau đây cần xác nhận sức khỏe trước chuyến bay:
Không xác định được rõ ràng thời gian mang thai hay thời gian sinh nở; hoặc
Trước đó đã từng sinh đôi, sinh ba, đa thai…; hoặc
Có thể có những trục trặc trong khi sinh nở; hoặc
Có thai nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo
Giấy tờ xác nhận sức khỏe được Vietnam Airlines yêu cầu gồm có:
Giấy xác nhận do hành khách khai báo (MEDIF I), và Giấy xác nhận từ bác sỹ tại cơ sở y tế được Vietnam Airlines chấp nhận khám sức khỏe (MEDIF II). Giấy tờ phải được lập trong vòng 14 ngày trước chuyến bay.
Đối với VietJet Air (không vận chuyển phụ nữ mang thai từ 32 tuần)
– Hành khách mang thai đến đủ 27 tuần được yêu cầu cung cấp giấy tờ xác nhận số tuần mang thai và ký giấy thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm.
– Hành khách mang thai trên 27 tuần đến đủ 32 tuần phải xuất trình giấy xác nhận của bác sỹ, xác nhận số tuần mang thai, đủ sức khỏe để thực hiện chuyến bay. Giấy xác nhận phải được ký trong vòng 07 ngày tính đến ngày khởi hành chuyến bay. Hành khách mang thai cũng phải ký giấy thỏa thuận để miễn trừ cho VietJet Air bất kỳ trách nhiệm nào phát sinh sau đó.
Đối với Jetstar Pacific (không vận chuyển phụ nữ mang thai trên 36 tuần)
– Hành khách mang thai dưới 28 tuần và có sức khỏe bình thường thì không cần phải mang theo sổ khám thai, nhưng phải ký bản miễn trừ trách nhiệm tại thời điểm làm thủ tục đăng ký chuyến bay.
– Hành khách mang thai từ trên 28 tuần đến 36 tuần được yêu cầu phải có sổ/giấy khám thai hoặc giấy khám sức khỏe được xác nhận trong thời gian không quá 10 ngày so với ngày khởi hành. Trong giấy khám này phải có các thông tin: Ngày sinh nở dự kiến, hành khách mang thai một hay đa thai, khách mang thai bình thường và không gặp trục trặc trong thời gian thai kỳ. Hành khách có thai phải ký bản miễn trừ trách nhiệm tại thời điểm làm thủ tục đăng ký chuyến bay.
Hành khách là phụ nữ có thai cũng cần hết sức lưu ý về quy định vận chuyển cũng như yêu cầu về giấy tờ tùy thân khi đi máy bay của từng hãng hàng không
Người khiếm thính, khiếm thị, không nói được và đi xe lăn khi làm thủ tục bay cần có giấy tờ gì?
Hiện nay, Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific đều chấp nhận vận chuyển hành khách khiếm thính, khiếm thị, không nói được và có hỗ trợ xe lăn cho hành khách gặp khó khăn trong việc di chuyển. Tất cả các hành khách này vẫn phải xuất trình giấy tờ tùy thân bắt buộc là CMTND hoặc các giấy tờ thay thế như bình thường. Đặc biệt cần xuất trình thêm Giấy Xác Nhận Sức Khỏe.
Giấy xác nhận sức khỏe phải được xác nhận từ bác sỹ tại bệnh viện được hãng hàng không chấp nhận. Yêu cầu về giấy xác nhận sẽ tùy thuộc vào từng hãng hàng không. Khi có nhu cầu bạn hãy liên hệ với nhân viên của hãng hoặc đại lý nơi mua vé để được tư vấn cụ thể hơn.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng cung cấp dịch vụ cáng, bình oxy cho các hành khách có nhu cầu sử dụng. Đối với dịch vụ cáng, bình oxy, hành khách cũng phải tuân thủ quy định về giấy tờ xác nhận sức khỏe theo yêu cầu của Vietnam Airlines.
Ngoài người khuyết tật, một số trường hợp khác hành khách cũng phải xác nhận sức khỏe như:
– Hành khách bị mắc bệnh truyền nhiễm, lây nhiễm
– Hành khách có tình trạng sức khỏe có thể gây bất lợi cho chuyến bay
– Hành khách bị bệnh giai đoạn cuối
– Hành khách sau phẫu thuật
– Hành khách vừa phải cấp cứu trên chuyến bay hoặc ở sân bay dẫn đến chuyến bay bị chậm.v..v…