07

Th1
2022

LẦN ĐẦU BIẾT ĐẾN NGHỀ LÀM CHIẾU SIÊU NGHỆ CỦA VIỆT NAM

Nghề thủ công Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời. Nếu văn minh lúa nước gắn liền với những đồng lúa vàng ươm, thì nghề Chiếu Việt Nam gắn với những đồng Lác xanh rờn. Liệu bạn đã từng nghe đến làng nghề thủ công truyền thống này chưa? Hải Vân Travel sẽ cùng bạn tìm hiểu về những làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng từ Bắc vào Nam để ta thêm yêu lịch sử dân tộc và nét đẹp văn hóa của đất nước Việt Nam mình.

1. Làng dệt chiếu Hới – Thái Bình

Chiếu Hới hay còn gọi là chiếu Hưng Hà là một làng nghề dệt chiếu lâu đời và nổi tiếng ở nước ta. Không ai biết chiếu Hới xuất hiện từ lúc nào cũng như ai là tổ nghề, chỉ biết rằng thời thịnh đạt nhất vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Chiếu Hới có rất nhiều loại như chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu đót, chiếu sợi xe… chiếu mới có màu trắng, dùng lâu sẽ ngả sang màu vàng.

Làng nghề dệt chiếu Hới nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 40 km. Xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông, du khách sẽ đặt chân đến với ngôi làng có truyền thống dệt chiếu vô cùng lâu đời này. Ngôi làng với hơn 3.000 hộ dân, có đến hơn 80% gia đình trong đó làm nghề dệt chiếu.

Nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm chiếu chính là cói và sợi đay. Đây là 2 loại cây hay được trồng ở những vùng gần sông nước, nơi nhiều phù sa bồi đắp. Sau đó những loại cây này được thu hoạch và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận để có thể đạt yêu cầu về nguyên liệu làm chiếu. Tùy theo từng loại chiếu cần dệt mà các sợi cói, sợi đay sẽ được nhuộm màu theo từng sản phẩm. Để có thể dệt được một chiếc chiếu đạt yêu cầu thì phải cần đến một đôi tay tỉ mỉ, kinh nghiệm phong phú và những kỹ thuật sáng tạo của người thợ dệt.

Qua biết bao nhiêu thăng trầm, những biến cố lịch sử, người dân nơi đây vẫn giữ cho mình ngọn lửa nghề, yêu nghề đến thế và ngày càng đưa tiếng tăm sản phẩm chiếu Hới của mình vang xa.

2. Làng nghề dệt chiếu Chương Hòa – Hoài Nhơn, Bình Định

Là một trong những làng nghề truyền thống có mặt từ khá lâu, ở xa Tam Quan Bắc và xã Công Thạnh, huyện Hoài Nhơn. Tại đây có nhiều loại chiếu chất lượng cao, ngành nghề dệt chiếu ở đây phát triển về quy mô số lượng lẫn chất lượng gồm có chiếu khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa. Nguyên liệu chính làm nên những chiếc chiếu đẹp này là cói, một cây thân dai, dài từ 1,3 – 1,5m. Chiếu được dùng để trải giường, về mùa hè nằm mát, về mùa đông nằm cũng ấm, sạch, khi giặt thì mau khô và vệ sinh.

Chiếu trơn làm khá dễ, bởi làm từ cói trắng không nhuộm màu. Dệt chiếu hoa công phu hơn phải chọn sợi cói về rồi nhuộm phẩm, cho thành các màu sắc như đỏ, vàng, xanh, lục…

Làng chiếu cói tại xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn hiện có 800 hộ dân, và 3.200 lao động gắn bó với nghề truyền thống. Sản phẩm chiếu cói nơi đây được nhiều người dân trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Đông Nam Á, Châu Âu, Châu Mỹ… khi du lịch Bình Định đã ghé Hoài Nhơn đặt hàng loại chiếu cói mang về nước. Chiếu cói không chỉ đơn thuần là một vật dụng gia đình mà nó còn thể hiện nét văn hoá đặc trưng của người Việt Nam.

3. Làng chiếu cói Bàn Thạch – Quảng Nam

Làng chiếu Bàn Thạch nằm cách huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam khoảng 5km về hướng Đông. Vào khoảng thế kỷ XVI, các tộc họ ở Duy Vinh (nay thuộc Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh) vượt ải Vân Nam đến địa hạt phủ Thăng Hoa nay là vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam đã gây dựng nên làng chiếu Bàn Thạch nổi tiếng như ngày nay. Chiếu Bàn Thạch cũng hết sức đa dạng về mẫu mã, màu sắc.

Thôn Đông Bình được xem là cái nôi của nghề chiếu cói Bàn Thạch vốn nổi tiếng xưa nay. Làng có 355 hộ dân thì có khoảng 300 hộ làm chiếu, vì nghề này cần ít vốn, có thể làm vào những lúc rảnh rỗi. Trung bình mỗi chiếc chiếu dệt khoảng 3 giờ là xong và mỗi người có thể dệt 2 – 3 chiếc/ngày. Nghề này được làm theo kiểu cha truyền con nối, truyền từ đời này sang đời khác. Chiếu được lấy từ dây cói trồng ở Hố Đình – Duy Vinh, dây cói thu hoạch vào hai mùa là tháng 4 và tháng 8 trong năm. Cói được mua về phơi qua 2 nắng, nhuộm các màu khác nhau, sau đó đem đi phơi khô và công đoạn cuối cùng là dệt chiếu.

4. Làng nghề dệt chiếu lác Phú Tân – Phú Yên

Trải qua hàng trăm năm làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vẫn được gìn giữ và phát triển. Đến nay, có khoảng hơn hai trăm hộ hộ làm chiếu, với trên 600 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu. Ngoài loại chiếu dệt thủ công thì hiện còn sản xuất thêm chiếu dệt bằng máy, cho năng suất và thu nhập cao hơn.

Chiếu được làm từ sợi cói phơi khô. Công đoạn nhuộm màu cho cói, cần phải đảm bảo được sự đều tay thì lên màu mới tươi và giữ được lâu. Trước đây, khi còn dệt thủ công, để dệt một chiếc chiếu, đòi hỏi phải có hai người cùng làm. Làm thủ công tốn nhiều công sức và thời gian nhưng sản lượng cả ngày chỉ được 2 cặp chiếu mà thôi. Vì vậy, nhờ việc đưa công nghệ máy móc vào, giúp cho nhiều người dệt ở làng nghề truyền thống có thể sáng tạo và giảm bớt công sức lao động, tạo thêm nhiều mẫu mã mới phục vụ khách hàng.

5. Làng nghề dệt chiếu Cà Hom – Bến Bạ

Làng nghề dệt chiếu Cà Hom – Bến Bạ, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được hình thành từ cuối thế kỷ XIX và ngày càng trở nên nổi tiếng. Các loại chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ gồm hai loại chính là chiếu trắng và chiếu màu, chiếu màu có ba màu chính là màu trắng của lác, đỏ của giang và màu vàng của nghệ.

Hiện nay, làng chiếu truyền thống này có quy mô bao trùm hai ấp Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, với gần 500 khung dệt, giải quyết được khoảng ngàn lao động thường xuyên lúc nông nhàn. Đó là chưa kể một đội quân không nhỏ cung cấp các dịch vụ cần thiết cho nghề làm chiếu từ trồng và thu hoạch lát, chẻ phơi, vận chuyển, nhuộm màu lát đến tiêu thụ ra thị trường.

 

6. Làng chiếu Cẩm Nê

Làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 14km về phía Tây Nam đặc biệt nổi tiếng với các loại chiếu hoa. Dưới thời nhà Nguyễn, chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được sử dụng trong cung điện như một món đồ đắt giá và sang trọng, những nghệ nhân dệt chiếu thì được sắc phong khen thưởng. Trải qua thời gian, nghề làm chiếu Cẩm Nê cũng bị mai một dần, đến nay chỉ còn ít hộ tiếp tục giữ nghề.

Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lác về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo người chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng, màu ngại …Phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng năm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy màu phẩm và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi khô, được đem dệt chiếu hoa.

7. Làng chiếu Tà Niên

Nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 6 km về phía Quốc lộ 63 là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, nghề dệt chiếu Tà Niên đã có từ những năm 1880 và dần trở thành mặt hàng nổi tiếng của Kiên Giang. Chiếu Tà Niên là vật dụng thân thiết với con người trong cuộc sống hàng ngày, sản phẩm từng có mặt ở nhiều nơi, được khách hàng ưa chuộng. Làng chiếu Tà Niên nổi tiếng khắp vùng và được công nhận là loại chiếu bền, đẹp được người dân nơi đây ưa chuộng. Ở Tà Niên có khoảng 100 hộ dân làm nghề dệt chiếu. Họ chủ yếu làm ra hai liệu chiếu chính là chiếu trơn và chiếu hoa, chiếc chiếu làm nên sự nổi tiếng cho chiếu Tà Niên là chiếu hoa.

Nghề dệt chiếu đã được các hộ ở Tà Niên, trong đó có cả người Khmer duy trì đến ngày nay và nhiều gia đình trong ấp có đến 3 đời làm nghề dệt chiếu. Tuy rằng nghề làm chiếu này không giàu nhưng cho thu nhập quanh năm và hiện nay tại làng nghề vẫn còn đó những người thợ ngày ngày miệt mài bên khung dệt để cho ra những chiếc chiếu đặc biệt, chính điều đó góp phần giữ được cái nghề mà ông cha để lại.

8. Làng chiếu Nga Sơn

Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là vùng triều đất đai màu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn – niềm kiêu hãnh của vùng quê này. Cái đẹp quyến rũ của chiếu Nga Sơn ấy là sự mềm mại, óng mượt. Không ở đâu hơn Nga Sơn có sợi cói nhỏ, dài và mềm mại đến thế. 

Ngày nay thương hiệu “chiếu Nga Sơn” đã cập bến cảng nhiều quốc gia ưa chuộng chiếu cói. Nhưng cói ngày nay không chỉ tạo ra đặc chủng chiếu. Từ cói Nga Sơn đã tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn khác: chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi, giỏ đựng hoa quả, làn, bình hộp có nắp, đệm… kiểu dáng thanh thoát, trẻ trung. Trong số bạn hàng, Nhật Bản tỏ ra sốt sắng với sản phẩm cói. Từ nhiều năm trước doanh nghiệp Nhật đã đến Nga Sơn, liên hệ chặt chẽ với trên 50 doanh nghiệp cói xuất khẩu của 8 xã ven biển. Giờ đây chiếu cói Nga Sơn đã có hành lang thương mại rộng rãi đến với nhiều quốc gia.

Nguồn: Toplist